Sức mạnh của hoàn cảnh – lụm lặt trong The Tipping Point của bác Malcom Gladwell (1)

New York những năm 1980 là một thành phố chìm ngập trong những đại dịch tội phạm tồi tệ nhất trong lịch sử. Mỗi năm có đến 2000 vụ giết người, 600.000 tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hệ thống vận tải công cộng xảy ra khoảng 15.000 vụ phạm tội nghiêm trọng, cuối thập niên, con số này đã tăng lên 20.000 vụ. Nhưng kể từ đợt cao trào 1990, tỷ lệ tội phạm đã giảm theo chiều dốc đứng! Các vụ giết người đã giảm 2/3, tội phạm nghiêm trọng đã giảm phân nửa, trên những chuyến vận tải công cộng tỷ lệ phạm tội nghiêm trọng đã giảm 75%. Và New York trở thành thành phố an toàn bậc nhất ở Mỹ. Họ đã làm điều đó bằng cách nào???

Theo lý giải của bác Malcom, tội phạm là một đại dịch. Nó dễ dàng lây lan trong một hoàn cảnh vô tổ chức. Nếu một cửa số bị phá hỏng mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận là không ai quan tâm, không ai chịu trách nhiệm. Và cứ thế không lâu sau nhiều cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng. “Thuyết cửa sổ vỡ” của James Q. Wilson và George Kelling đã đưa ra toàn bộ lý thuyết lan truyền của đại dịch tội phạm và cho rằng các hành vi trái đạo đức và trái pháp luật rất dễ lây lan.

Áp dụng lý thuyết đó New York đã cử một giám đốc mới chịu trách nhiệm sửa chữa, nâng cấp xe điện ngầm! Khi đọc đến đây mình thực sự không hiểu nó có liên quan gì đến việc giảm tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng!!! Đối với Gunn vị giám đốc mới rất quyết tâm và quan tâm đến những hình sơn vẽ graffiti, anh cho rằng những hình sơn vẽ đó mới là dấu hiệu cho sự sụp đổ của cả hệ thống, anh buộc phải giành chiến thắng chống lại những hình sơn vẽ bẩn thỉu. Tại ga cuối cùng, anh đặt một trạm vệ sinh  xe, anh quyết tâm nếu những chiếc xe bị vẽ bẩn, thì chúng sẽ được làm sạch trong thời gian lưu tại bến, nếu không sẽ không được vận hành. Anh tách riêng khu vực những chiếc xe nhếch nhác riêng biệt với những chiếc xe sạch sẽ.  Ý tưởng này sẽ gửi đi thông điệp cứng rắn đối với những kẻ cố ý phá hoại. Công việc tẩy hình sơn được Gunn thực hiện từ năm 1986-1990.

Cũng trong thời gian đó New York cử William Bratton về làm đội trưởng cảnh sát an ninh nhà ga. Anh này cũng là một tín đồ của thuyết cửa sổ vỡ. Bratton quyết định ra đòn với nạn trốn vé lậu!!! Anh lập luận rằng nếu một, hai hoặc ba người có thể trốn vé lậu thì những người khác – những người không bao giờ nghĩ tới việc vi pham pháp luật – cũng sẽ hùa theo vì viện cớ rằng những người khác không phải trả tiền vé, họ cũng sẽ không trả. Vấn đề của Bratton ở đây là việc tiền phạt trốn vé rất thấp (hơn 1 đô la) và quy trình xử lý phạt rất rườm rà, thường mất cả ngày… cộng sự của Bratton không hề muốn tốn thời gian để bắt bớ những vi phạm nhỏ nhặt như vậy!  Anh đã nghĩ ra cách chọn ra một số nhà ga mà nạn trốn vé nghiêm trọng nhất, cử 10 nhân viên mặc thường phục mỗi trạm, những nhân viên an ninh này sẽ giữ hết kẻ trốn vé lậu, còng tay và bắt chúng tập trung tại phòng chờ… cho đến khi họ tóm được đủ số. Bratton trang bị thêm chiếc xe buýt cỡ lớn trang bị đầy đủ các phương tiện để xử phạt, nhờ vậy mà thời gian xử lý các vụ việc giảm còn 1 giờ.  Bratton còn quyết tâm khám xét những người bị bắt giữ. Cứ 7 người bị khám xét sẽ có một người đang có lệnh bắt giữ, 20 người thì có một người mang theo vũ khí nào đó! Chính vì thế mà Bratton không gặp khó khăn để thuyết phục các nhân viên an ninh xử lý việc trốn vé lậu để kiếm “một món đồ chơi gì đó”, một lệnh bắt giữ hay một tên giết người. Tỷ lệ phạt vi phạm những tội nhỏ tăng gấp 5 lần từ 1990 – 1994.

Năm 1994, Bratton được cử làm giám đốc sở cảnh sát New York. Anh áp dụng những biện pháp tương tự trên quy mô toàn thành phố. Anh thẳng tay trị những thợ cạo kính, hành vi nhảy qua cổng chắn, sơn vẽ lên tường, cấm say xỉn, tiểu tiện nơi công cộng, bắt những kẻ cố tình phá rối, những kẻ vứt bừa lọ chai ra đường! Khi tội phạm bắt đầu giảm nhanh và mạnh, thì mọi người hiểu ra rằng “những hành vi nhỏ lẻ và dường như không mấy tác động đến cuộc sống chính là những ĐIỂM BÙNG PHÁT của những vấn nạn tội phạm bạo lực”.

MỘT ĐẠI DỊCH CÓ THỂ ĐƯỢC ĐẨY LÙI  BẰNG CÁCH XỬ LÝ NHỮNG VẤN ĐỀ NHỎ NHẶT NHẤT TRONG MÔI TRƯỜNG TRUNG GIAN. Sau hàng loạt các câu chuyện của bác Malcom đưa ra sau đó… ta có thể rút ra kết luận rằng con người hoàn toàn có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu được sống trên một con đường sạch đẹp hay đi trên hệ thống tàu điện ngầm sạch sẽ chứ không phải là con đường và tàu điện ngầm đầy rác bẩn và hình sơn vẽ graffiti.

Liên tưởng lang man đến hoàn cảnh tại Việt Nam… cuộc sống có vẻ không quá tồi tệ đến mức có thể nhìn thấy cảnh người ta giết nhau mỗi ngày như New York những năm 1980. Nhưng chúng ta lại đang đối mặt với những vụ tai nạn giao thông trung bình 800 vụ mỗi tháng và cũng khoảng 700 người chết do tai nạn giao thông. Tính ra trung bình mỗi năm số người chết là 8400 người, tổng 9600 vụ từ ít nghiêm trọng cho đến đặc biệt nghiêm trọng.

Em ấy chỉ có thể ước… chỉ là ước thôi! Ở VN mình có anh Gunn rất quyết tâm làm sạch sẽ đường phố. Ta ra đường sẽ không còn thấy những hình vẽ nguêch ngoạc trên mấy cái tường, cảnh vứt rác lung tung, hay hàng quán dàn binh ra giữa đường. Ta sẽ có những vỉa hè thông thoáng và sạch sẽ cho người đi bộ…

Em ấy lại ước có anh Bratton chính trực và rất quyết tâm xử lý thẳng tay mấy lỗi nho nhỏ của người lái xe… sẽ không còn cảnh người ta chờ đèn đỏ mà lại dàn hàng ngang qua làn đường của xe đi chiều ngược lại, sẽ không còn cảnh ai đó quát tháo, gây hứng hay bấm còi inh ỏi chỉ vì họ muốn vượt mặt người khác để đi cho nhanh, sẽ không còn cảnh ai muốn qua phải, qua trái thì qua mà không cần báo trước, sẽ không còn cảnh muốn dừng giữa đường chỗ nào thì dừng…. Biết đâu khi xử lý những đối tượng này, mấy anh cảnh sát có thể kiếm được bội tiền ngân sách do phạt vi phạm giao thông, phát hiện ra hàng ngàn người không biết bằng lái xe là gì, hay có được “một số đồ chơi mới lạ”, còng những tay nghiện ngập, những tội phạm bị truy nã như anh Bratton đã làm.

Bình luận về bài viết này